kehe.namekehe.name/dulieu/keheB.doc  · Web viewK. Ẻ. HE. HÀ NỘI - 2008. Phần 1. CỘI...

542
Phạm Đạo – Minh Hạnh KẺ HE PHẠM ĐẠO – MINH HẠNH KẺ HE HÀ NỘI - 2008 501 502

Transcript of kehe.namekehe.name/dulieu/keheB.doc  · Web viewK. Ẻ. HE. HÀ NỘI - 2008. Phần 1. CỘI...

PHẠM ĐẠO – MINH HẠNH

Phạm Đạo – Minh Hạnh

KẺ HE

PHẠM ĐẠO – MINH HẠNH

KẺ HE

HÀ NỘI - 2008

Phần 1.

CỘI NGUỒN

Ngày mùng Bẩy tháng Giêng năm 1780 cả đất Hà Thành này náo nức ăn mừng chiến thắng lừng lẫy của quân Tây Sơn đánh tan hai mươi vạn quân Thanh với chiến thắng tuyệt vời cuối cùng ở gò Đống Đa này. Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung đã cho quân lính ăn bù cái Tết cổ truyền tại đây cùng nhân dân Hà Thành. Tại một căn nhà lá đơn sơ của làng Hạ Hồi có một người lính bị thương nặng trong trận Ngọc Hồi mấy hôm trước. Anh đã nằm bất tỉnh đúng hai ngày hai đêm, chân anh bị gẫy đã được ông lang làng bên bó lá thuốc và để giữ cho xương cố định ông đã buộc hai thanh tre vào cái chân bị gãy của anh. Anh còn bị thương vào đầu nên mới bất tỉnh lâu đến thế. Cũng đúng hai ngày nay người ta thấy một bà già và một cô gái trẻ luôn thay phiên túc trực bên anh. Sáng sớm nay bà dì của cô gái đã dậy từ rất sớm đề nấu cháo, mong khi anh tỉnh dậy có cái để ăn. Người ta thấy mắt người lính từ từ hé mở một cách rất mệt nhọc. Cô gái reo lên:

- Dì ơi! Anh ấy tỉnh lại rồi.

Bà dì cô gái vội vàng đơm một bát cháo đưa cho cô gái.

- Anh ơi, cố ăn chút cháo đi! – Cô gái dỗ dành.

Người lính bị thương cố định thần xem mình đang ở đâu. Anh thấy một khuôn mắt mờ mờ hiện lên mỗi lúc một rõ hơn. Lúc này anh mới thấy rõ khuôn mặt người con gái đang ngồi trước mặt mình. Anh thều thào hỏi cô:

- Tôi đang ở đâu thế này? Bạn tôi đâu cả rồi?

- Anh Đang ở làng Hạ Hồi, Bạn của anh đang ở trong thành Hà Nội.

Người thương binh cố gượng mở miệng cho cô gái bón cháo. Không gian yên tĩnh, người ta chỉ nghe thấy tiếng nuốt cháo rất khẽ. Cô gái nói tiếp:

- Anh tỉnh lại làm dì cháu em vui quá. Suốt mấy ngày qua anh cứ nằm bất động. Em ngồi bên cạnh lo cho anh lòng dạ cứ rối bời.

Thế là đã ba tháng cô chăm sóc cho anh, bây giờ anh đã chống nạng lần từng bước được rồi. Một hôm anh hỏi cô:

· Này cô Lan! Thế tại sao cô lại ở đây với bà

dì? Thế nhà cô ở đâu?

· Sao anh lại biết tên em?

· Nghe bà cụ gọi cô mà.

- Nhà em ở mãi tận trên Sơn Tây cơ, thế anh hỏi làm chi?

- Tôi hỏi nhà cô ở đâu cũng không được sao?

- Em đùa thế thôi anh đừng giận.

Anh không hỏi thêm gì nữa. Anh lơ đãng nhìn ra ngoài, bầu trời hôm nay trong xanh, ở mãi cuối trời mới có mấy đám mây trắng rất nhỏ lững lờ trôi. Anh đang nghĩ về người con gái đã chăm sóc anh suốt mấy tháng qua. Cô không đẹp nhưng rất có duyên, ăn nói mới dịu dàng làm sao! Có lần thay thuốc đau quḠanh đã quát mắng cô thậm tệ nhưng cô vẫn chỉ mỉm cười nhẫn nhục. Sau mỗi lần như thế anh lại rất hối hận nhưng anh vẫn chưa xin lỗi cô lần nào! Tình cảm trong anh đối với cô thay đổi lúc nào anh cũng không biết. Anh coi cô như một người em gái, nhưng tình cảm của một người anh trai với một người em gái như thế nào anh đâu có biết vì anh chỉ có một mình trên trái đất này. Bây giờ hễ cô có việc gì đi đâu lâu lâu là anh thấy nhớ cô. Anh chỉ muốn cô quấn quýt bên anh suốt ngày thôi. Hình ảnh cô luôn hiện lên mỗi khi anh nhắm mắt lại dù là thức hay ngủ. Một lần khác anh lại hỏi cô:

· Hai bác dạo này có khỏe không?

- Chắc là vẫn khỏe, vì mấy thág nay em đã về nhà đâu.

· Thế cô có mấy anh em?

- Dạ, em chỉ còn một anh trai hơn em mấy tuổi ở nhà phụ giúp thầy em làm nghề thợ giầy.

· Thế còn mẹ cô?

· Mẹ em buôn hoa quả ở chợ.

· Thế tại sao tôi lại ở đây với hai dì cháu cô?

- Chẳng là thế này. Hôm ở Ngọc Hồi này diễn ra một trận đánh rất lớn của quân Tây Sơn với quân Thanh. Quân Thanh chết nhiều vô kể và quân ta cũng hy sinh không ít. Đâu đâu trên cánh đồng cũng thấy xác quân lính của hai bên. Khi thấy tiếng súng thần công nổ rầm trời dân làng chạy tán loạn. Mãi khi im tiếng súng mới dám kéo nhau về. Và cũng phải đến lúc trời tối mới dám về. Em và bà dì em đang đi thì vấp phải một vật gì đấy, suýt nữa thì ngã nhào. Bà sợ quá kéo em cúi xuống xem là cái gì . Hai dì cháu thấy anh vẫn còn hấp hối. Em không trông rõ mặt anh nhưng ngửi thấy mùi tanh của máu, chắc là anh bị thương nặng nên máu chảy rất nhiều. Hai dì cháu em mỗi người sốc một vai dìu anh về nhà. May mà nhà bà dì em ở ngay ngoài rìa làng nếu không chắc hai dì cháu không thể dìu anh đi thêm vì anh rất nặng. Về đến nhà hai dì cháu lo lau hết các vết máu rồi lau mặt mũi cho anh. Anh vẫn bất tỉnh nhưng vẫn còn thở thoi thóp. Sáng hôm sau tơ mơ sáng em đã sang làng bên gọi ông lang về xem vết thương cho anh. Anh vẫn không nhúc nhích chỉ thở rất nhẹ. Ông lang đắp thuốc xong, bảo em tìm cho ông hai thanh tre để ông nẹp cái chân gẫy của anh cho nó cố định không được động đậy và dặn: “Anh ta bị nặng lắm còn bất tỉnh rất lâu, nếu trong vòng một ngày một đêm nữa mà tỉnh dậy thì sống còn không thì chết.” Thế là em và dì em cứ thay phiên nhau túc trực bên anh cho đến khi anh tỉnh lại.

- Thế còn anh quê quán ở đâu?

- Quê tôi nghe nói cũng ở ngoài này nhưng không biết rõ là ở đâu. Cụ tôi khi còn sống bảo rằng cách đây đã bốn năm đời quê chúng tôi cũng ở đằng ngoài, nhưng vì gia cảnh khó khăn, sa sút nên mấy anh em chia mỗi người mỗi ngả đi kiếm kế sinh nhai. Cụ Tằng tổ nhà tôi cứ đi dần vào miền trong rồi trụ lại ở Huế đã mấy đời nay rồi.

- Thế anh được mấy anh em, ông cụ bà cụ còn sống cả chứ?

- Bố mẹ tôi mất sớm, tôi ở với bà nội từ nhỏ, hai bà cháu tần tảo nuôi nhau. Đến khi phong trào Tây Sơn lan ra đến Huế thì tôi liền xin phép bà cho đi theo.

- Thế anh đã có vợ con gì chưa? - Cô buột miệng hỏi rồi đỏ bừng cả mặt.

- Tôi nghèo lắm ai mà dám lấy tôi. Anh không chú ý đến nét mặt của cô nên trả lời rất tự nhiên. Rồi đột nhiên anh hỏi:

- Hôm nào cô về thăm nhà cho tôi về thăm ông bà có được không?

Cô cũng ngạc nhiên không kém, im lặng một lúc cô mới lên tiếng:

· Được thôi, cô trả lời lý nhí.

Mấy hôm sau bà dì gọi cô Lan lại nói:

- Cháu à! Anh Văn (tên người lính bị thương ) bây giờ đã khá rồi cháu vào Hà Nội tìm đơn vị của anh ta, rồi trả anh ta về đơn vị, dì cháu ta lo cho anh ta thế là đủ rồi.

Cô Lan trong lòng phân vân chưa biết nên xử lý thế nào vì giữa cô và anh hình như có một cái gì đấy đã xuất hiện. Lúc này cô chưa gọi tên được cái tình cảm ấy nhưng cô vẫn không muốn xa anh. Nghe lời bà cụ cô vào Hà Nội tìm đơn vị của anh ta. Cô đã đến thẳng trại lính hỏi. Người chỉ huy bảo cô ngồi đợi rồi giao cho người lính hầu đi tra số sách tìm kiếm. Khoảng hai tiếng sau, người lính hầu về báo cáo với người chỉ huy là đơn vị của anh ta đã trở về Phú xuân từ mấy tháng trước. Cô quay về thưa với bà dì:

- Dì ơi! Đơn vị của anh ta đã về Phú Xuân từ mấy tháng trước rồi. Bây giờ dì tính sao?

- Còn tính sao nữa, dì cháu mình phải hỏi xem ý anh ta thế nào.

Hôm sau hai dì cháu liền đem chuyện này bàn với anh Văn. Bà dì hỏi:

- Anh Văn này! Bây giờ anh cũng đã khỏe, anh định liệu thế nào?

Anh Văn nói:

- Thưa bác cháu chưa hiểu bác nói ý thế là thế nào?

- Ý tôi muốn nói là bây giờ anh đã khỏe có muốn trở về Huế không? Để chúng tôi còn thu xếp tiền lộ phí cho anh.

- Thưa bác và cô! Đầu tiên cháu xin đội ơn bác và cô đã cứu sống cháu, đã cưu mang cháu đến hôm nay. Cháu muốn sau khi đã khỏe sẽ ở lại ngoài này tìm việc làm và tìm cách đền cái ơn cứu mạng của bác và cô. Cháu không về Huế nữa vì trong ấy chẳng còn ai. Bà cháu cũng đã mất mùa đông năm ngoái rồi. Nếu bác không chê cháu, cháu xin được làm phận con cái trong nhà phụng dưỡng bác đến khi trăm tuổi.

Bà dì nghe vậy rất cảm động, dì đang sống một mình có người đỡ đần càng tốt. Mấy tháng qua bà cũng thấy đứa cháu gái mình và anh ta cũng có cảm tình với nhau. Nên nếu anh ta ở lại ngoài này mà lại vun vào cho hai đứa thành vợ thành chồng thì tốt biết mấy!

Đêm hôm ấy bà nói với cô cháu gái:

- Anh Văn anh ấy có ý như vậy cháu thấy thế nào?

- Cháu chẳng thấy thế nào cả, cô ôm dì chặt hơn và tủm tỉm cười một mình trong đêm tối.

- Tôi nói là nói cô có ưng anh ta không để dì hỏi cho, cô cũng lớn tuổi rồi còn gì? Thế trên Sơn Tây đã có đám nào chưa?

- Dì ơi! Chưa có đám nào đâu, chuyện này cháu còn phải về trên quê thưa với thầy u cháu xem ý tứ các cụ ra sao đã chứ.

*

* *

Chuyến đò dọc từ Hà Nội lên cập bến Trung Hà lúc gần trưa, nắng bắt đầu gắt gao, hành khách ai nấy đều mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Họ vội vã rời bến lên bờ. Trong đám hành khách ấy ta thấy có hai người dừng lại ở một quán nước bên gốc đa cổ thụ. Họ ngồi xuống chiếc ghế dài và xin bà chủ hai bát nước vối. Uống xong cô gái xin phép bà chủ quán cho được ngồi nhờ, cô mượn bà chủ con dao con, cô lấy từ trong bị ra một nắm cơm và một gói muối vừng. Cô cắt nắm cơm ra thành từng lát mỏng, hai người ngồi ăn rất ngon lành. ăn xong họ đi ngược trở lại về phía Sơn Tây. Người đàn ông đeo một chiếc tay nải bằng vải nâu đã bạc mầu, để đầu trần không mũ nón gì. Bước đi của anh ta hơi khập khiễng nhưng vẻ mặt thì rắn rỏi như một người đã từng xông pha nơi chiến trận. Người con gái cũng đeo một chiếc tay nải, tay cô còn sách một cái bị, không hiểu đựng thứ gì bên trong mà có vé nằng nặng. Người con gái cứ lầm lũi đi trước, người con trai cũng lặng lẽ theo sau, họ chẳng nói chuyện gì với nhau. Đến khi mặt trời đã ngả về Tây thì họ về đến trấn Sơn Tây. Đến cứa một cửa hiệu giầy nhỏ, người con gái cất tiếng:

· Chào thầy ạ, con đã về.

Ông chủ hiệu vội đứng lên dụi dụi mắt rồi kêu to lên:

- A, cái Lan đã về đấy à? Mày đi đâu mà mất tăm nửa năm trời mới về thế con?

· Thầy ơi! Thế u con đâu?

- U mầy đang bán hoa quả ở ngoài chợ ấy, bà ấy cứ lo cho mày nhiều hôm còn khóc sưng cả mắt ra đấy.

Anh con trai không bước theo cô gái mà đứng ngoài cửa lễ phép chào ông chủ:

· Cháu xin chào bác ạ!

Ông chủ lúc ấy mới để ý thấy người con trai đứng trước cửa nhà mình, ông nói:

- Tôi sơ xuất quá, anh thứ lỗi cho, mời anh vào nhà.

Anh con trai bước vào nhà. Anh cứ đứng trân trân giữa nhà. Cô gái vội chạy ra đỡ cái tay nải của anh rồi mời anh ngồi xuống chiếc ghế tràng kỷ kê ở giữa phòng khách. Cô lại chạy luôn vào trong nhà trong. Người con trai ông chủ cũng buông chiếc giầy đang khâu dở, đứng lên chào người khách rồi cũng chạy vào nhà trong với cô em, anh căn vặn:

· Lan ơi em dẫn ai về nhà ta thế?

· Chuyện này dài lắm em sẽ kể với anh sau.

Ông bố cũng ngồi xuống chiếc tràng kỷ đối diện, loay hoay tìm ấm pha trà, cô gái đã nhanh nhảu:

- Con mang nước ra ngay bây giờ đây. Cô mang ấm trà và khay chén ra đặt ngay ngắn trên bàn rồi lại lui vào nhà trong, để lại anh bạn trai đang lúng túng trước ông bố của mình. Ông cụ hỏi người khách:

· Quê anh cũng vùng này ư?

· Không ạ, nhà cháu ở mãi trong Huế cơ.

- Ông bà cụ thân sinh ra anh vẫn mạnh khỏe cả chứ?

· Thưa bác bố mẹ cháu đã mất từ lâu rồi ạ.

Ông cụ nói tiếp:

- Thôi bây giờ hai đứa đi tắm rửa rồi nghỉ ngơi cho lại sức vì từ Hà Nội lên đây đường xá xa xôi chắc là thấm mệt rồi. Ông gọi:

- Này cậu cả ơi! đưa anh đây ra giếng cho anh ấy tắm rửa đi con.

- Vâng ạ! Người con trai từ phòng trong đi ra dẫn người khách ra giếng đằng sau nhà.

Tắm rửa xong người khách xin phép đi thăm phố xá của cái thị trấn miền trung du này.

*

* *

Bữa cơm tối đoàn tụ gia đình thật là vui. Lại có khách từ Hà Nội lên nên bà cụ đã làm một mâm cơm tươm tất hơn. Trên mâm cơm ta thấy một đĩa cá rán, một điã chân giò luộc, một đĩa đậu phụ rán, một đĩa trứng tráng, một bát canh cua, một đĩa rau muống luộc, một bát cà pháo trắng tinh và một bát tương vừa để chấm rau vừa để chấm thịt luộc, đặc biệt còn có thêm một cút rượu trắng. Cả nhà ăn uống vui vẻ. Anh bạn của cô Lan cũng vui lây không còn ngượng ngập như hồi chiều nhưng vẫn chưa dám bắt chuyện mà chỉ ngồi nghe. Gần cuối bữa cô Lan mới nói:

- Con xin giới thiệu với cả nhà, đây là anh Văn - bạn con. Anh ấy bị thương, bây giờ đã khỏi. Anh ấy không muốn về Huế vì chẳng còn ai nữa. Anh muốn ở lại ngoài này làm ăn, anh định ở lại với dì Liên ở dưới Hạ Hồi, dì cũng đã ưng thuận vì dì hiện còn có một mình. Và muốn thưa chuyện với thầy u … nói đến đây cô ấp úng.

- Thôi chuyện ấy hãy bàn sau, anh đã lên đây cứ ở lại đây chơi vài hôm - ông cụ ngắt lời cô con gái.

Mấy hôm sau người ta thấy có một anh thanh niên gánh giúp bà cụ hoa quả ra chợ bán. Về đến nhà anh ta lại dọn dẹp nhà cửa và tu sửa lại cái bếp. Anh ta cứ luôn chân luôn tay chẳng nghỉ ngơi lúc nào. Cả nhà thấy anh chăm chỉ tháo vát nên rất mến anh. Ban đêm bà cụ hỏi con gái:

· Chuyện này là thế nào, hở Lan?

Cô ôm lấy mẹ và thủ thỉ kể cho mẹ nghe đầu đuôi câu chuyện. Nào là cô và bà dì đã phát hiện và chữa chạy cho anh ta thế nào trong suốt mấy tháng qua ra sao, rồi cả việc anh ta muốn xin phép gia đình cho anh ta được lấy cô làm vợ.

Mấy hôm liền hai ông bà cứ cân nhắc mãi chuyện này. Tính đi tính lại cũng thấy xuôi xuôi vì ông bà cũng cám cảnh cho anh ta vì cái nỗi côi cút không nơi nương tựa. Ông bà thấy về tư chất anh ta cũng thẳng thắn, tác phong thì tháo vát nhanh nhẹn. Gả con gái cho anh ta cũng không đến nỗi nào.

Để tránh tiếng “Cọc tìm trâu” ông bà bảo anh ta về Hà Nội bảo bà dì lên đây thay mặt nhà trai xin ăn hỏi đàng hoàng. Anh Văn ở lại thêm mấy bữa rồi lĩnh ý bố mẹ cô gái trở về Hà Nội thưa chuyện với bà dì:

- U ơi! Con đã lên thăm gia đình em Lan và ngỏ ý muốn gá nghĩa vợ chồng với em. Ông bà trên nhà đã đồng ý bây giờ u và con phải chuẩn bị một cái lễ lên Sơn Tây làm lễ trạm ngõ và ăn hỏi luôn.

- Thế thì hay quá, ngày mai hai mẹ con mình ra chợ mua mấy thứ cần để kịp lên Sơn Tây.

Hai ngày sau họ có mặt tại Sơn Tây đến nhà cô gái xin gửi lễ trạm ngõ và ăn hỏi luôn. Hai gia đình bàn xem là nên làm đám cưới ở đâu. Tuy là hai nhà nhưng thực ra vẫn là một nên đồng ý làm ngay ở Sơn Tây vì ở dưới Thường Tín bà dì cũng chỉ có một mình nên lo cưới sẽ vất vả hơn. Thế là cả nhà nhộn nhịp lo cho đám cưới cô con gái rượu của ông bà. Bà mẹ đi xem thầy tướng số để định ngày cưới. Ông thầy chọn cho ngày lành tháng tốt để làm lễ thành hôn và còn phán rằng đôi này sau này sẽ ăn nên làm ra. Đúng ngày đã chọn, đám cưới được tổ chức tại nhà gái. Một đám cưới nửa tỉnh nứa quê được tiến hành rất trang trọng, tuy vẫn theo tục lệ cũ nhưng đã có phần giản đơn hơn.

Đám cưới xong, ông bà gọi hai vợ chồng lại bàn chuyện làm ăn. ông cụ hỏi người con rể:

- Thế bây giờ anh chị định ở đâu? Và làm ăn thế nào?

- Thầy u cho hai vợ chồng con về Thường Tín ở với dì Liên, còn chuyện làm ăn thì chúng con cũng chưa biết tính sao ạ.

Nhà dì Liên nghèo cũng chẳng có ruộng đất gì. Sau khi ông chú mất, dì Liên cũng chỉ đi làm thuê làm mướn kiếm ăn nên chẳng có tài sản gì. Mọi người bàn đi tính lại mãi thì thấy chỉ có cách đi buôn. Ông bố vợ nói:

- Thầy thấy chỉ có cách đi buôn thôi các con ạ! Thầy u sẽ cấp vốn cho hai con. Sau này khi nào ăn nên làm ra trả thầy u sau cũng được.

- Thế thì còn gì bằng, chúng con xin đội ơn thầy u

Thế là sau đấy người ta thấy hai vợ chồng cô Lan lên tận Sơn Tây, Phú Thọ tới các chợ quê lùng sục măng khô, nấm hương, mộc nhĩ và các loại lâm thổ sản khác. Hai vợ chồng theo đò dọc xuôi về Thường Tín rồi mang ra Hà Nội bán. Từ đấy người ta thấy hai vợ chồng tuần này đi lên Sơn Tây tuần sau lại lên Phú Thọ để lùng hàng. Họ không bán lẻ mà đi bỏ mối ở khắp các chợ ở Hà Nội. Hàng của họ tốt nên được các bạn hàng rất tín nhiệm, họ đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Sau một năm vất vả ngược xuôi họ đã kiếm được kha khá. Họ không những trả được vốn cho bố mẹ. Họ còn có một khoản tiền định làm lại căn nhà của dì Liên ở Thường Tín. Nhưng ông bà ngoại lại bàn là nên đưa dì Liên lên Sơn Tây để có chị có em. Thế là họ nhờ ông bà mua giúp họ một mảnh đất ở Sơn Tây chuẩn bị xây nhà. Ông bà ngoại đã mua cho họ một miếng đất khoảng hai sào ở ngay gần đường cái nên rất thuận tiện cho việc buôn bán. Anh Văn lên tận Phú Thọ mua gỗ, mua lá cọ rồi đóng bè chở về Sơn Tây. Họ làm hẳn hai căn nhà, một ở sâu bên trong để ở, còn một căn ở ngay sát đường làm cửa hàng. Vì nguyên vật liệu mua được rẻ nên họ cũng không tốn bao nhiêu tiền mà có được hai căn nhà gỗ lợp lá cọ chắc chắn. Bây giờ họ không phải trực tiếp đưa hàng về xuôi nữa mà gom hàng ngay tại thị xã Sơn Tây rồi bán buôn cho các lái từ Hà nội lên.

Một năm sau hai anh chị có con gái đầu lòng, họ đặt tên là Trực. Ba năm sau cô Lan lại sinh được một bé trai bụ bẫm, ông bà ngoại đặt tên cho cháu là Viễn. Cửa hàng của họ lúc nào cũng tấp nập người ra, người vào. Họ bán buôn là chính nhưng cũng có bán lẻ. Một hôm có một đầu mối quen từ Phú Thọ đem hàng đến, không về ngay mà lại qua đêm ở nhà họ. Cơm nước xong, chủ khách ngồi nói chuyện, anh ta rủ anh Văn đi buôn trâu. Người khách bảo anh ta đã tìm hiểu kỹ, đã làm quen với các tay buôn trâu từ miền rừng về miền xuôi bán. Chính anh ta đã theo họ vài chuyến nên đã học hỏi được một số mánh lới trong việc buôn bán này. Nghề buôn trâu rất có lãi hiềm một nỗi anh ta không có vốn nên rủ anh Văn cùng tham gia. Hôm sau người khách ra về còn dặn:

- Ông hãy suy nghĩ kỹ đi! Lần sau tôi về sẽ bàn thêm và quyết địn sau.

Hai vợ chồng đem chuyện này bàn với ông bà ngoại, tuy ông bà không tán thành lắm nhưng cũng không can ngăn. Cô Lan chỉ sợ chồng vất vả vì đi lên miền rừng núi nhỡ vết thương tái phát thì khổ. Sau nhiều đêm suy nghĩ anh Văn quyết định thử vận may một lần xem sao, một hôm anh nói với chị:

- U nó này, tôi thấy cứ thử vài chuyến xem sao! Mình đang còn ít vốn để đấy cũng chẳng lợi lộc gì. Hơn nữa cửa hàng đã ổn định như thế này mình u nó quán xuyến là đủ.

- Tùy thầy nó thôi, tôi chỉ lo cho sức khẻo của thầy nó, nếu đã quyết thì thầy nó cứ đi thử một chuyến.

Anh bạn sau một tuần quay lại, anh Văn liền đi theo. Lên đến Phú Thọ anh bạn dẫn anh Văn ra chợ trâu để tìm hiểu. Những tay lái trâu từ miền ngược về đây mỗi tay dắt dăm ba con. Anh Văn cứ lẳng lặng nghe họ bình phẩm rồi ngã giá từng con, anh cố nhập tâm những điều họ nói. Dần dần anh cũng hiểu ra thế nào là một con trâu tốt. Loại trâu nào dùng để kéo xe, loại trâu nào dùng để cày anh cũng đã nắm được. Ở lại Phú Thọ đến gần chục ngày hai người mới chọn được hai con trâu vừa ý. Anh mua một con và cho anh bạn vay tiền mua một con. Hai người dắt trâu về tận chợ Phúc Yên bán. Có trời phật run rủi thế nào mà họ đã bán rất được giá. Bán xong anh không lên Phú Thọ mà về Sơn Tây khoe với vợ chiến công đầu của mình. Tối hôm sau anh sang nhà ông bà ngoại uống rượu, ông ngoại khen:

- Anh giỏi lắm, có gan! có gan! Ông cụ cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu ấy.

Hai người buôn chung với nhau dăm chuyến thì anh bạn trả được tiền vốn mà anh Văn đã cho vay. Một lần anh lên Phú Thọ thì bị sốt nặng vì đi đường bị ngấm nước mưa. Anh phải nằm lại ở nhà anh bạn mất cả tuần mới khỏi. Sau đấy mới tiếp tục đi mua trâu mang về xuôi bán. Một lần khác anh còn bị nặng hơn vì vết thương tái phát. Anh phải nằm lại nhà anh bạn cả nửa tháng mới đỡ. Những lần như vậy em gái anh bạn đã chăm sóc anh rất tận tình, rất chu đáo. Dần dần hai người có cảm tình với nhau và họ đã phải lòng nhau lúc nào không biết. Anh Văn cảm thấy rất khó xử, anh vẫn rất yêu vợ con, anh không phải con người phụ bạc nên càng khó nghĩ hơn. Anh không nỡ bỏ vợ con để lấy em anh bạn. Nhưng trước tình cảm chân thật của cô em anh bạn, anh lại không thể rứt ra được. Anh nghĩ thế nào cũng phải nói thực với vợ xem thái độ cô ấy thế nào rồi sẽ liệu sau. Còn bố mẹ vợ nữa chứ không biết thái độ của các cụ ra sao. Làm sao anh có thể quên ơn được hai ông bà đã cưu mang anh lúc khó khăn. Anh bạn sau khi biết được quan hệ giữa hai người anh gọi cô em lại hỏi:

- Này Luyến à! Cô có biết anh Văn đã có vợ con rồi không mà còn phải lòng anh ta?

- Em có biết vì anh ấy đã kể hết với em rồi. Cô Luyến lúc ấy coi như đã muộn chồng vì cô đã ngoài hai nhăm tuổi chứ còn trẻ trung gì cho cam. Thực tình cũng đã có mấy anh theo đuổi nhưng cô chưa ưng đám nào. Những ngày gần gũi anh, cô cảm thấy đấy mới là người đàn ông mà cô hằng mong ước. Có lẽ đúng là vợ chồng là cái duyên cái số hay sao ấy.

- Thế cô có chịu làm lẽ không?

- Em bằng lòng.

Người anh trai cô cũng đành phải chiều theo ý em vì nhà chỉ còn hai anh em, bố mẹ đã mất sớm cả rồi!

Anh Văn về thăm dò ý vợ. Lúc đầu cô Lan phản đối kịch liệt. Sau cô thấy anh không những không ruồng bỏ vợ con mà còn chu tất mọi nhẽ nên không làm căng nữa. Khi ông bà ngoại biết chuyện cũng khuyên con gái hãy thông cảm cho anh và đừng “già néo đứt dây” vì thời nay trai năm thê bẩy thiếp đâu có gì là lạ. Thế là đám cưới được tổ chức tại Phú Thọ. Cô Lan đích thân lên cưới vợ hai cho chồng. Anh trai cô Luyến cho cô mảnh vườn để hai vợ chồng cô ra ở riêng. Họ làm ba gian nhà gỗ lợp lá cọ rất vững chắc.

Một năm sau cô Luyến sinh cho anh một cậu con trai. Hai vợ chồng đặt tên cho cháu là Chinh. Cũng năm ấy chị Lan cũng sinh được một cháu trai. Ông bà ngoại đặt tên cho cháu là Dũng. Năm cu Chinh lên ba thì cô Luyến lại sinh đứa con trai thứ hai. Ông bác ngoại đặt tên cho cháu là Nghiên. Thằng Nghiên giống bố y hệt. Nó hay ăn chóng lớn, “chộm vía” nó thay đổi từng ngày. Chẳng bù cho cu Chinh ốm đau quặt quẹo luôn làm cho anh chị tốn kém không biết bao nhiêu là tiền của, thuốc thang. Ba năm sau chị Luyến lại sinh một cậu con trai nữa. Họ đặt tên cho cu cậu là Hiếu.

Khi cô con gái đầu lòng tên là Trực đầy mười tám tuổi, anh chị gả cô cho một tay người Hà Nội. Anh ta thường vẫn lên lấy hàng ở chỗ anh chị. Cô Trực lấy chồng về nhà chồng rồi ở luôn dưới Hà Nội chẳng mấy khi về quê. Anh Viễn lớn lên theo nghề của ông ngoại. Anh Dũng, người cao to nhất nhà thì xin vào một trường võ bị rồi theo luôn nghề binh nghiệp.

Một tai vạ giáng xuống đầu anh Văn và chị Luyến, đó là cu Chinh lúc ấy mới tám tuổi đi chơi với tụi trẻ con trong xóm không may bị ngã xuống ao chết đuối. Chị Luyến thương con khóc sưng húp cả mắt. Cả tháng trời, chiều nào chị cũng ra mộ của con rì rầm nói chuyện với nó đến tối mịt mới về.

Anh Nghiên lớn lên theo nghề của bố và bác ngoại, anh cùng họ đi buôn trâu. Anh Nghiên tuy trẻ người nhưng buôn bán rất có duyên. Chẳng mấy chốc anh đã tự mình xuôi ngược không cần đến sự chỉ dẫn của ông bố nữa. Lúc này ông Văn cũng đã già, ông về Sơn tây với bà vợ cả. Ở lại Phú Thọ chỉ còn hai mẹ con bà Luyến.

Lại một tai họa nữa đến với bà Luyến. Ngày Hội đền Hùng năm đó cu Hiếu cũng đã lớn liền theo mấy đứa bạn đi xem Hội. Khi về mấy đứa trẻ lạc nhau, chúng hốt hoảng về báo cho bà Luyến tin dữ. Bà Luyến cùng anh Nghiên, ông bác ngoại và bà con chòm xóm đi tìm khắp nơi khắp chốn mà không thấy cu Hiếu đâu. Không biết nó bị lạc hay bị kẻ xấu dụ dỗ đi đâu mất, chỉ biết nó chẳng bao giờ trở về nữa. Bà thương con phát ốm cả tháng trời. Và từ đó cái ngày đi chơi trở thành ngày giỗ của cu Hiếu

Một lần anh Nghiên bị lừa mất hết cả vốn lẫn lãi, anh buồn chán đến phát ốm, người gầy dộc hẳn đi. Khi đã nguôi ngoai anh thề không bao giờ làm cái nghề buôn trâu này nữa. Bà Luyến sau những tai họa giáng xuống từ việc mất hai đứa con đến việc thằng con thứ hai đang làm ăn tấn tới thì mất hết cả gia sản đâm buồn bực đổ bệnh và mất tại Phú Thọ.

Sau khi mẹ mất anh Nghiên cũng bỏ luôn Phú Thọ về Phúc Yên kiếm sống. Anh đành phải làm thuê cho một chủ hiệu buôn cỡ trung bình ở thị xã. Ông chủ cửa hàng kinh doanh đủ thứ gần như một cửa hàng bách hóa. Ở đây vừa bán buôn vừa bán lẻ. Nào là các loại lâm thổ sản như măng, mục nhĩ, nấm hương. Ngoài ra ông ta còn buôn cả đồ sứ gia dụng như chén bát chum vại có nghĩa là đủ thứ, trong đó có cả thuốc lá, thuốc lào. Anh Nghiên rất chăm chỉ và tháo vát thường được ông chủ cử đi cất hàng ở các tỉnh về. Anh hay sang bên Sơn Tây đến cửa hàng của u già mua các hàng lâm thổ sản mang về Phúc Yên. Lúc này ông Văn đã già lại lo cho mấy đứa con bà cả. Anh cũng đang một thân một mình đã có chỗ làm ăn nên cũng chưa cần sự giúp đỡ của bố. Anh chỉ nhờ bố gom hàng cho anh. Mỗi lần sang cất hàng ớ Sơn Tây anh chỉ phải ngủ lại một đêm ở nhà bố hôm sau là về Phúc Yên luôn.

Ở cửa hàng này cũng có một anh người Trạm Trôi làm thuê. Vì cùng là thanh niên với nhau nên họ chơi thân với nhau. Họ coi nhau như anh em nên ngày Tết, ngày giỗ anh bạn lại rủ anh Nghiên về Trôi chơi. Rồi anh ta giới thiệu cô em họ anh ta tên là Thuần với anh Nghiên, thế là lần nào về Trôi anh Nghiên cũng sang nhà cô Thuần chơi. Hai người tỏ ra quí mến nhau thật sự.

Làm thuê được hai năm anh cũng đã dành dụm được ít vốn. Ông bố và bà già cũng giúp anh một ít vốn để anh thuê một gian hàng nho nhỏ bán tạp hóa. Khi cửa hàng đã ổn định anh lên thưa với ông Văn về Trôi hỏi vợ cho anh. Sau khi lấy vợ anh đưa chị về Phúc Yên cùng anh buôn bán. Chị trông hàng còn anh đi gom hàng. Chị buôn bán rất có duyên nên anh chị sau một năm đã có đủ tiền mua luôn gian hàng trên. Họ chịu khó cóp nhặt từng đồng, tằn tiện chi tiêu nên tuy sau đó trong vòng ba năm hai anh chị đã sinh được hai cháu mà cuộc sống gia đình họ vẫn tạm ổn. Cô con gái đầu lòng họ đặt tên là Quy. Còn cậu con trai thứ hai họ đặt tên là Chi. Hai ông bà cũng cho hai con đi học. Cô Quy chỉ học hết lớp 2 là nghỉ để trông hàng cho mẹ, còn cậu Chi thì được học cao hơn. Ông Nghiên bị cảm đột ngột qua đời, gia đình lại thêm túng quẫn, cậu Chi đành bỏ học. Khi cô chị đến tuổi lấy chồng bà mẹ gả cô cho một anh trong làng Khả Do. Anh này gia đình cũng khá giả được bố mẹ cho ra tỉnh học nên thường hay đến cửa hàng này mua các thứ lặt vặt nên biết cô Quy. Khi cô chị đi lấy chồng cửa hàng chỉ còn hai mẹ con. Anh Chi cũng rất tháo vát và còn gan nữa. Anh không những chỉ buôn thuốc lào mà còn dấu mẹ buôn luôn cả thuốc phiện. Chỉ vài năm là anh dành đủ tiền về làng He mua đất làm nhà. Về làng anh vừa làm ruộng nhưng vẫn buôn thuốc lào và thuốc phiện. Chỉ mấy năm mà anh tậu được thêm mấy mẫu ruộng. Anh lấy vợ ở dưới làng Mơi. Chị tên là Tuyền, họ Ngô. Chị là một cô gái đẹp lại thạo công việc đồng áng nên cái gia đình ấy từ trung nông đã trở thành phú nông. Anh Chi với thân phận là ngụ cư nên bị bọn chức sắc trong làng chèn ép, chúng luôn tìm cách hãm hại anh. Chúng báo quan Tây về bắt anh với tội danh là buôn thuốc phiện. Khi khám nhà tuy không bắt được tang vật gì nhưng chúng cũng dọa bỏ tù anh. Anh đã phải chạy chọt mất khá nhiều tiền mới không bị đi tù. Sau vụ ấy anh quyết đút lót cho bọn Chánh tổng để được làm Trương tuần, cũng trở thành người có vai vế trong làng để đỡ phải phu phen tạp dịch. Ạnh bị bệnh đau bụng kinh niên thuốc thang mãi cũng không khỏi. Một hôm anh nôn thốc nôn tháo ra toàn máu đưa ra nhà thương tỉnh cũng không cầm được nên anh đã qua đời lúc mới có 30 tuổi. Chồng chết đột ngột chị Tuyền chán nản đâm ra cờ bạc, rượu chè. Chị bán dần bán mòn mất hẳn bốn mẫu ruộng. Chị còn đổ đốn đến mức phải lòng một tay đồ nho trong làng rồi chửa hoang với hắn. Đứa con bị đẻ non, chị Tuyền bị hậu sản dai dẳng mấy năm sau cũng mất. Để lại cho bà mẹ chồng gìa nua mù lòa bốn đứa con côi cút. Đứa bé nhất mới ba tuổi, đứa lớn nhất cũng mới hơn mười tuổi đầu.

Phần 2.

ÔNG VUA XĂNG DẦU

Chương 1.

ĐỨA BÉ BẤT TRỊ

· Cu Đại đi đâu mà đến giờ chưa về ăn cơm?

- Bà ơi! Nó lại trốn học đi chơi rồi – Cô Hiền, chị cả vừa dọn cơm vừa nói.

- Thằng này hư thật, thôi để phần cơm cho nó, cả nhà đi ăn cơm không con Bốn nó đói quá, đang khóc nhè kia kìa.

Ăn cơm xong, bà cụ bế đứa bé nằm võng rồi ru cho nó ngủ còn hai đứa cháu gái đi giã gạo. Buổi chiều cô Hiền đi cắt cỏ, còn cô Hòa đi chăn trâu mãi đến tối mới về. Chiều tối trước khi dắt trâu về nhà cô Hòa còn tắm rửa cho nó cẩn thận. Con trâu thiến về đến chuồng có cái bụng căng tròn, da dẻ bóng lộn, đủng đỉnh nhai lại cỏ một cách kiên nhẫn và mãn nguyện. Cô Hiền về muộn hơn một chút với gánh cỏ lặc lè trên vai.

- Chị Hiền có bắt cho em con gì không? – Cô Bốn chạy ra đón chị.

- Chị bắt cho em con muỗm đây. Cô Hiền đặt gánh cỏ xuống, móc tuí đưa cho em một con muỗm to gần bằng ngón tay.

- Cho em xin – cô em vội chạy ngay vào bếp tìm cách nướng con muỗn. Cô lấy một thanh tre chẻ đôi ra kẹp con muỗm vào giữa rồi ngồi xuống cạnh bà hơ con muỗm trên ngọn lửa. Chẳng mấy chốc mùi muỗm nướng thơm lừng,

cô bé chạy ra khoe với chị:

- Có thơm không chị ơi! Chị có thèm em bẻ cho một nửa?

- Thôi em ăn đi.

Bữa tối hôm ấy chỉ có mấy bà cháu, cu Đại mãi tới khuya mới về, nó tự vào bếp lục cơm nguội ăn. Đợi cháu ăn xong bà mới gọi cháu vào hỏi chuyện:

· Sao cháu bỏ học?

Cu cậu ấp a ấp úng định nói chí chá cho qua nhưng thấy bà rất nghiêm khắc nên không dám nói dối. Nó nói:

- Cháu biết lỗi rồi lần sau cháu không dám thế nữa.

· Thế cháu đi đâu bây giờ mới về?

- Cháu đi theo mấy anh trên làng Thượng học hát chèo.

- Lần sau đi đâu phải xin phép không được tự tiện như thế nghe chưa!

- Vâng ạ! – Cu Đại đáp lí nhí.

- Thôi đi ngủ đi! Mai còn đi học sớm.

Cu Đại lên phản nằm, chỉ một loáng đã nghe thấy tiếng ngáy khe khẽ, đều đều của nó. Đêm ấy nó còn mơ ngủ ú ớ mấy câu chèo.

Hồi mẹ còn sống cu Đại được bà nuông chiều hết mức vì nó là con trai duy nhất trong nhà. Nhiều lần nó chạnh chọe đánh chửi cả chị nó cũng không bị bà mẹ quở trách gì nên nó càng lên nước. Bây giờ mẹ đã mất bà và các chị lại vẫn chiều nó như xưa vì thương cháu, thương em côi cút. Tính nó ngổ ngáo thường gây sự đánh nhau với trẻ trong làng nhất là tụi con nhà giầu. Của đáng tội bọn con nhà giầu, bọn con nhà có chức sắc trong làng hay cậy bố chúng có quyền thế không ai dám dây nên hay bắt nạt tụi trẻ con nhà nghèo thấp cổ bé họng.

Thằng Đại mỗi khi bị chúng nó cậy gần nhà hoặc cậy đông đánh nó, nó ức lắm liền tìm cách trả thù. Rất nhièu lần nó rủ bọn trẻ đi chăn trâu khi vắng người liền cho trâu bò vào ăn lúa ở ruộng của bọn nhà giầu, có hôm mấy con trâu của bọn nó sơi gọn cả một ruộng khoai của nhà tên phú ông giầu nhất làng. Nhiều lần khác cứ nhè ruộng ngô của bọn nhà phú ông chúng xuống bẻ trộm ngô rồi chạy lên bờ đê, tìm gốc dạ đốt lửa lên nướng ăn với nhau. Nó thù nhất là nhà tên Lý trưởng ở làng trên, một hôm bọn thằng Đại đang chơi đáo ngay giữa đường, tên Lý trưởng cưỡi ngựa đi đến bảo chúng nó dẹp cho ngựa đi, bọn trẻ mải chơi không dẹp đường bèn bị tên Lý trưởng cầm roi ngựa quất cho chúng chạy tán loạn.

Một buổi chiều chúng giắt trâu ra tận sát đường tầu hỏa chăn trâu. Mỗi đứa mang sẵn một cái túi nhặt những hòn đá ở đường ray lẳng lặng mang về làng. Đêm hôm ấy thằng Đại dẫn đầu đi ra phía tường sau nhà tên Lý trưởng. Ở khu nhà sau nhà hắn có hẳn hàng chục chiếc chum tương to tướng. Bọn trẻ nghe thằng Đại ra lệnh:

· Ném đi chúng mày ơi!

Những hòn đá đủ các cỡ bay vèo vèo vào nhà tên Lý trưởng. Những chiếc chum vỡ toác, tương đổ ra lênh láng đầy sân. Khi bon gia nhân thấy chó sủa và tiếng vỡ của những chiếc chum chạy ra sau nhà xem thì bọn trẻ đã biến vào đêm tối. Bọn trẻ ở làng Bến mỗi khi đi chợ đều phải qua làng Chợ, thường bị tụi trẻ trên làng Chợ ra bắt nạt chặn đánh. Cho nên không bao giờ chúng dám đi một mình nếu không có người lớn đi cùng. Chúng thường rủ mấy đứa cùng đi và đứa nào cũng có một thứ “vũ khí” mang theo để đề phòng bị tấn công. Những cuộc ẩu đả giữa trẻ con làng trên xóm dưới xảy ra thường xuyên, mà chẳng có lần nào vắng mặt cu Đại. Cu Đại còn bảo bọn trẻ làm những chiếc súng cao su để “ chiến đấu”. Có những hôm tụi trên làng đi qua làng đông mà chưa tập hợp được nhau để ra đánh bọn chúng. Anh cu Đại liền tấn công một mình. Cu Đại nấp sau bụi tre, rồi từ trong bụi tre bắn ra làm tụi trẻ làng trên chạy tán loạn.

Năm lên sáu tuổi bà mẹ cho cu Đại đi học trường làng, năm 8 tuổi cậu thi đỗ “Sơ học yếu lược” cả phần chữ Pháp với Mention Biêng. Sau đó cậu được ra trường tỉnh học. Cậu rất ghét bọn học sinh ngoài thị xã chúng hay coi thường những học sinh ở các làng xung quanh ra tỉnh học. Chúng thường bắt nạt các cậu, rất nhiều lần gây gổ đánh nhau với các cậu. Cậu Đại nhiều lần xông vào bọn chúng để cứu bạn nhưng bọn chúng cậy đông, cậu Đại đành phai rủ bạn bỏ chạy. Cậu liền rủ một số bạn thành từng nhóm đi đâu cũng có nhau để bảo vệ nhau nên đỡ bị bắt nạt hơn. Một lần xẩy ra xô sát giữa một học sinh thị xã và một học sinh ở làng, một lúc sau hai bên đều kéo nhau đến rất đông chửi bới nhau loạn xạ. Hai bên hẹn nhau Chủ nhật tới kéo ra ga quyết chiến một phen để phân thắng bại. Cậu Đại về cùng đám học sinh ở làng chuẩn bị đủ thứ nào gậy gộc, nào sỏi đá đút đầy túi và còn trang bị cả súng cao su nữa. Sáng hôm ấy ở cuối ga có một trận xô sát của hàng mấy chục học sinh trường tỉnh. Chúng lao vào ẩu đả một số đứa mặt mày sưng húp. Tụi học sinh thị xã đông hơn đã chiếm thế thắng bọn cậu Đại phải chạy về làng. Tụi nó đuổi theo, các cậu nấp sau bụi tre nã súng cao su làm mấy đứa trúng đạn kêu oai oái và buộc phải tháo chạy. Ngày thứ Hai, nhà trường biết được và đã đuối mấy học sinh tham gia tích cực nhất hôm qua trong đó có cậu Đại. Cậu Đại học ở trường tỉnh đến Noyen dousuiène année. Cậu học rất giỏi năm nào cũng đứng đầu lớp. Gia đình hồi này đang sa sút bà không đủ tiền lo lót cho cậu học tiếp nên đành thôi, cậu Đại bỏ học từ đó về nhà giúp gia đình.

*

* *

Gia cảnh thật ái ngại, một bà cụ mù với bốn đứa trẻ biết xoay sở thế nào đây! Số ruộng còn lại tuy không nhiều lắm nhưng đến mùa vụ vẫn phải đổi công hai cô đi cấy cho người ta để người ta cầy hộ mình. Nhiều khi cũng phải thuê thêm cả thợ cầy, thợ cấy mới kịp mùa vụ. Thu họạch chẳng được bao nhiêu phần thì phải trả công thợ cầy, thợ cấy phần thì phải đóng thuế nên thường bị thiếu ăn mất vài tháng.

Cô Hiền dạo này phổng phao hẳn ra. Cô là chị cả nên phải quán xuyến mọi việc gia đình, là chỗ dựa duy nhất của bà cụ. Cô làm quần quật suốt ngày việc gì cũng đến tay nhưng hình như cô càng làm lụng vất vả thì cô lại càng xinh ra. Nước da trắng hồng, đôi mắt lá dăm tình tứ, hàng mi cong dài như lá liễu, cái miệng xinh xinh lúc nào cũng tươi đỏ như bôi son, hàm răng đều đặn đen nhưng nhức, chiếc mũi dọc dừa thanh tú, tất cả được gắn trên khuôn mặt trái soan. Sắc đẹp trời cho ấy làm cho ngay cả các bạn gái cũng phải xuýt xoa huống hồ các trai làng chết mê chết mệt vì cô. Bông hoa đồng nội tuyệt vời ấy đã rơi vào tầm ngắm của tay Lý trưởng giầu có trên làng Chợ. Tuy hắn đã có vợ con nhưng vẫn mê cô Hiền như điếu đổ. Một hôm người ta thấy bà mối đến nhà cô Hiền, bà mối thưa chuyện với bà cụ:

- Bà ơi! Ông Lý Hoan trên làng Chợ muốn xin cô Hiền về làm vợ, bà thấy thế nào?

- Bà nói sao! Ông ấy đã có vợ con rồi kia mà – Bà cụ sửng sốt hỏi bà mối.

- Ối dào! Vợ con thì đã sao, đàn ông năm thê bẩy thiếp là chuyện thường. Ông ấy có quí gia đình nhà ta thì mới hỏi, chứ thiên hạ thiếu gì đàn bà con gái. Bà ơi! Vợ cả ông ta tuy đã hai lần sinh nở nhưng đều là vịt trời, ông ta muốn kiếm đứa con trai thừa tự nối dõi tông đường. Ông ta thấy cô Hiền nhà ta đẹp người đẹp nết mới nhờ tôi đến thưa chuyện với bà trước. Cô Hiền nhà ta mà về nhà ấy sinh cho ông ta mụn con trai thì sẽ làm chủ cái gia sản kếch xù ấy, còn bà cả sẽ ra dìa thôi.

- Việc này chưa thể trả lời bà ngay được đâu vì em nó còn bé mới chưa đầy mười bẩy tuổi thôi mà.

- Thế cò bé bỏng gì nữa, bà mà không ưng thì sau này sẽ lôi thôi to đấy. Ở cái làng cái xã này, người ta quyền sinh, quyền sát trong tay, bà không muốn cũng chẳng được.

Tối hôm ấy bà đem chuyện này ướm hỏi cô Hiền xem thái độ của cô cháu gái thế nào. Bà gọi cô Hiền vào nhà, bảo cô ngồi xuống cạnh bà rồi bà ôn tồn hỏi cháu:

- Này Hiền ơi! Ông Lý trên làng Chợ muốn hỏi cháu làm vợ lẽ đấy, cháu thấy thế nào?

- Cháu không đi lấy chồng đâu. Cháu mà đi lấy chồng thì ai lo cho bà, cho các em? – Cô ôm lấy bà khóc tức tưởi.

- Thôi đừng khóc nữa để rồi bà tính xem sao.

Đêm ấy cả hai bà cháu đều không ngủ được mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Bà cứ băn khoăn một nỗi là nếu không ưng thuận thì sau này cái nhà này chắc sẽ chẳng được yên đâu. Dù sao mình cũng là dân ngụ cư nên thiệt thòi đủ thứ. Còn cô cháu thì một mặt không muốn xa các em, mặt khác bức bách hơn là không muốn làm lẽ vì cô đã tận mắt thấy thân phận của các bà, các chi đi làm lẽ ở cái làng cái xã này ra sao rồi. Nhưng dù muốn hay không cô đâu có quyền quyết định. Phận gái bố mẹ đặt đâu là phải ngồi đấy thôi! Bố mẹ đã khuất núi thì bà là người quyết định. Nghĩ mãi cũng chẳng thấy có cách nào thoát khỏi cuộc hôn nhân này. Cô tặc lưỡi mặc cho số phận và thiếp đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau bà cũng không gọi cô để cô ngủ thêm một lúc cho lại sức.

Bên nhà ông Lý cũng cử người đến giục mấy lần, bà cụ vẫn cố tình khất lần. Nhưng việc gì đến rồi cũng phải đến. Nhà ông Lý mang lễ vật sang ăn hỏi rồi định ngày cưới. Vào một ngày mùa xuân đám cưới được tổ chức rất linh đình. Nhà trai mổ một con bò, mấy con lợn, khách khứa ăn uống suốt hai ngày liền. Thế là cô Hiền về làm lẽ ông Lý Hoan, năm ấy cô tròn mười bẩy tuổi. Ông Lý lấy được vợ đẹp tỏ ra rất hào phóng. Ông đã nộp cho làng Bến số gạch gấp đôi định xuất bình thường (Tục lệ ở làng He này là: Mỗi cô gái đi lấy chồng thì nhà trai phải nộp cho làng 10 kiêu gạch (khoảng 400 viên) để xây đường làng như những cô gái khác khi đi lấy chồng. Ông còn bỏ tiền ra xây căn nhà ngang (Tam bảo) của ngôi chùa làng Bến. Vì vậy từ đấy về sau này chức sắc trong làng cũng vì nể gia đình Bà cụ

Cô Hiền đi lấy chòng rồi vẫn tranh thủ về thăm bà và các em luôn. Những hôm đó cô lại dọn dẹp nhà cửa, quét tước sân vườn đỡ các em, cô cũng không quên mua cho bà và các em đồng quà tấm bánh. Một lần bà cụ hỏi cháu:

- Về nhà chồng họ có đối đãi tử tế với cháu không?

- Dạ thưa bà cũng bình thường thôi ạ. Cháu cũng phải đi làm đồng từ sớm đến tối mịt mới về như những người làm khác trong nhà thôi.

- Thế còn bà cả?

- Cháu đi làm suốt ngày cũng ít khi giáp mặt nên cũng chưa xẩy ra chuyện gì bà ạ.

Bà cụ cứ thương đứa cháu trẻ người non dạ sợ về nhà chồng đối xử vụng về sẽ bị người ta quở trách, đặc biệt là bà cả kiếm cớ hành hạ thì khổ. Bà nghe cháu nói vậy cũng tạm yên lòng. Lần nào bà cũng dặn cháu:

- Bất cứ chuyện gì cháu cũng phải cố nín nhịn. “Một điều nhịn là chín điều lành” cháu ạ! Nếu không sẽ khổ vào thân.

*

* *

Cô Hòa lớn lên không xinh bằng cô Hiền nhưng lại đằm thắm hơn. Cô ít nói nhưng rất chăm làm, cô rất thạo việc đồng áng. Cô cấy gặt rất giỏi đặc biệt cô gánh rất khỏe, những bạn gái cùng trang lứa không ai gánh nặng bằng cô. Từ khi cô chị đi lấy chồng bao nhiêu việc nhà lại trút lên vai cô tất. Không những cô không hề kêu ca mà cứ lẳng lặng thu vén cho cái gia đình bé nhỏ này ngày một khá giả hơn. Cô như cây lúa trên đồng làng, đến độ làm đòng mới xanh tốt làm sao! Những bụi lúa ấy, chúng tràn đầy sức sống, xanh ngăn ngắt vươn thẳng lên đón ánh mặt trời. Cô cũng vậy, cái tuổi dậy thì để lại dấu ấn rất rõ trên làn da rám nắng, trên dáng vóc phổng phao, trên những đường cong thiếu nữ làm ngây ngất biết bao chàng trai trong làng. Nhiều nhà ngấp nghé muốn dạm hỏi cho con mình. Cô chưa dám chơi thân với bất kỳ ai trong đám trai làng nhưng thực tình cô cũng đã có cảm tình với một thanh niên. Nhà anh ta nghèo nhưng hết sức tốt bụng. nhiều lúc nằm một mình cô lại nghĩ tới cái buổi quen nhau ngẫu nhiên ấy. Chuyện là thế này: Một hôm cô đi cỏ về lội xuống ao rửa cỏ, khi lên bậc cầu ao trơn quá, gánh cỏ lại nặng hơn vì đang sũng nước thế là cô ngã tùm xuống ao. Cô chới với kêu cứu, anh ta đi cầy về vội vứt cày xuống vệ đường nhẩy tùm xuống cứu cô. Anh bế thốc cô lên bờ. Cô sặc sụa một lúc, định thần lại cô thấy quần áo mình ướt sũng. Ngồi ngay bên cạnh cô là một chàng trai quần áo cũng ướt sũng như cô đang quan tâm đến cô hỏi cô có sao không? Cô quên cả cám ơn người đã cứu mình, cô vùng đứng dậy chạy về nhà bỏ luôn cả gánh cỏ và người con trai đã đứng dậy nhìn theo cô một cách ái ngại. Người con trai đó lại gánh cỏ về tận nhà cho cô. Từ đấy hình ảnh người con trai thỉnh thoảng lại hiện lên. Cô cố quên đi thì nó lại xuất hiện thường xuyên hơn trong những giấc mơ của cô.

Một hôm bà cô của anh ta mang trầu cau đến dạm hỏi. Bà cụ tuy mù lòa nhưng cũng biết anh chàng này là một thanh niên tốt, rất hiền lành mà lại hay lam, hay làm. Bố mẹ anh ta cũng đã mất sớm anh ở với bà cô cũng đã luống tuổi mà chẳng có chồng con gì, hai cô cháu tần tảo nuôi nhau. Những đám khác bà đều từ chối, riêng đám này thì bà ưng vì mấy lẽ thứ nhất cháu mình không chịu cái thân phận lẽ mọn như cô chị, thứ đến bà cô anh ta cũng hiền lành cháu mình về nhà họ sẽ không bị khổ. Trong bụng bà đã quyết nhưng bà vẫn hỏi ý kiến xem cháu mình có ưng không. Bà gọi cô Hòa lên hỏi:

- Bây giờ cháu đã đến tuổi lấy chồng, nhiều đám đến dạm hỏi bà đều từ chối, riêng đám này bà thấy ưng ý, cháu xem có bằng lòng không?

- Bà ơi! Cháu không đi lấy chồng đâu, cháu đi rồi ai lo cho bà, cho các em?

- Cháu ơi! Con gái có thì, không thể ở nhà mãi với bà và các em được đâu. Cháu đừng lo việc nhà đã có các em, chúng nó cũng đã lớn rồi, cháu phải lo phận của cháu chứ! Bà nói thêm:

- Cháu có biết anh Quyết, cháu bà Huyền xóm giữa ấy không?

- Dạ! Cháu có biết ạ - Cô trả lời lý nhí.

- Thế cháu có ưng thuận lấy anh ta làm chồng không?

Vừa nhắc đến tên người con trai ấy cô Hòa đã run lên. Cô nghĩ có lẽ tại số phận hay sao? Hay tại cô ở hiền gặp lành nên trời phật đã mang đến cho cô chàng trai mà cô hằng vương vấn. Trong lòng cô đã thuận nhưng vẫn trả lời bà như bao cô gái khác ngoan ngoãn nghe theo sắp đặt của gia đình:

· Tùy bà thôi, bà đặt đâu cháu xin ngồi đó.

Một tuần sau đám cưới được tổ chức đơn giản như những đám cưới con nhà nghèo khác. Bà cụ không thách cưới gì mà còn cho hai vợ chồng ba sào ruộng làm vốn. Một năm sau bà cô anh Quyết cũng ốm nặng đã về với tổ tiên. Chỉ còn lại hai vợ chồng với ba sào ruộng họ làm quá nhàn hạ nên ngày mùa họ còn đi cầy thuê cấy mướn thêm. Họ làm ăn chăm chỉ nên cũng đủ ăn không để hụt bữa bao giờ.

*

* *

Làng He vào những ngày nông nhàn, nhất là về mùa thu sau vụ gặt bầu trời như cao hơn, mênh mông hơn là lại đến mùa chơi diều của trai trẻ trong làng. Họ làm những chiếc diều thật lớn, có chiếc dài đến mấy thước. Họ gắn những chiếc sáo đủ kiểu rồi thả chúng lên bầu trời đầy sao. Chúng phát ra những âm thanh trầm bổng khác nhau như một bản giao hưởng tuyệt vời của đồng quê. Nó đã thành kí ức của tuổi thơ, thành hành trang của họ bước vào đời. Nó trở thành một biểu tượng của quê hương đã ghi sâu trong lòng họ dù đi đến cùng trời cuối đất.

Anh Đại ngồi dưới gốc cây sung cạnh mấy cây rơm cao ngất biểu trưng cho một vụ mùa bội thu. Anh đang chăm chú vót nan chuẩn bị làm một chiếc diều sáo cỡ lớn. Tụi trẻ xúm xít xung quanh xem anh vót nan. Anh chọn loại tre bánh tẻ có đốt dài, loại bỏ phần lòng chỉ giữ lại phần cật để cho những chiếc nan diều vừa dẻo, vừa dai, vừa chắc. Con dao sắc như nước lướt nhẹ trên thanh tre. Những chiếc phoi cứ mỏng dần tuôn ra tới lúc chúng mỏng như những lá lúa, chúng xoăn lại như mớ tóc xoăn rồi nhẹ nhàng rời khỏi lưỡi dao rơi xuống đất. Tụi trẻ con tranh nhau những đám phoi ấy rồi đùa nghịch ném lên đầu nhau trông rất ngộ. Anh không mắng chúng mà lại còn chia đều cho từng đứa. Mấy chiếc nan chính to bằng hai đốt ngón tay dài khoảng ba thước được anh vót nhẵn bóng xếp ngay ngắn bên cạnh. Anh nghỉ tay đứng dậy vươn vai cho đỡ mỏi rồi vào nhà lấy điếu cày làm một hơi. Anh đùa lũ trẻ nhả khói vào chúng. Lũ trẻ không để ý có đứa ho sù sụ chạy dãn ra. Khoảng mười lăm phút sau anh lại tiếp tục cái công việc đầy hứng thú của mình. Anh bắt đầu vót những chiếc nan phụ. Chúng cũng dài như thế nhưng nhỏ hơn và mảnh hơn. Sau đấy là những chiếc nan ngang có kích cỡ khác nhau tùy theo vị trí của chúng ở phần giữa hay ở hai đầu chiếc diều. Anh làm mê mải từ sáng đến trưa, nghỉ tay vào nhà ăn vài lưng cơm rồi lại ra làm tiếp không cả nghỉ trưa. Anh làm đến tận lúc chạng vạng không rõ mặt người mới thôi. Ăn cơm tối xong anh lại dùng chính những chiếc phoi như những đám tóc rối anh tuốt từng chiếc một cho chúng nhẵn bóng và trơn tuột. Xong đâu đấy anh mới ôm chúng vào nhà lòng tràn ngập niềm vui. Anh vót nan mất đúng một ngày chưa kể cả ngày hôm qua anh phải đi khắp mấy bụi tre của nhà cũng như hàng xóm để chọn những cây tre vừa ý. Rồi anh lại pha chúng thành những chiếc nan thô để hôm nay anh vót. Một công đoạn hết sức quan trọng là lên khung và dán diều. Việc chọn giấy cũng rất kì công vì yêu cầu kỹ thuật rất cao. Giấy vừa phải mỏng lại phải dai và chắc, có như vậy thì diều mới nhẹ và không bị rách. Hôm sau đến phiên chợ tỉnh anh đi chợ chọn mua giấy. Anh lân la hết hàng này đến hàng khác, mân mê trừng xếp giấy một. Giấy anh chọn phải là loại giấy gió vừa mỏng vừa đều không được chỗ dầy quá, chỗ mỏng quá. Anh đến mỗi một hàng chọn từng tờ chứ không lấy cả tập. Mấy cô bán giấy kêu toáng lên sao ông anh khó tính như bà cô ế chồng ấy. Họ có biết đâu anh phải chọn như thế mới có thể dán diều. Anh chỉ tủm tỉm cười mặc cho các cô hàng giấy trêu chọc.

Hôm sau về nhà anh chưa dán diều vội mà phải chọn tre để vót dây diều. Anh cũng phải chọn những cây tre non “bánh tẻ” loại bỏ lòng chỉ lấy cật. Anh cũng pha thành những sợi tre dài hết cỡ từng cây tre (khoảng bốn năm thước gì đấy). Bề dầy của những sợi ấy khoảng ba ly, còn bề rộng khoảng mười ly (tức một phân). Chỗ nối là rất quan trọng, chỗ nối phải rất khéo sao cho mối nối phải nhỏ vừa phải chắc. Khi gió thổi mạnh diều thường bị đứt dây ở những mối nối đó. Anh lại phải mất đúng hai ngày mới vót xong được khoảng bốn mươi thước dây. Anh còn phải làm một cái khung để cuộn đống dây đó lại mới có thể mang ra đồng thả được. Anh kì cạch cũng mất một ngày mới xong.

Công đoạn lên khung một mình anh không thể làm được phải gọi thêm hai anh bạn nữa mới có thể bắt đầu. Đầu tiên là dựng khung chính, các anh cột những thanh chính lại với nhau, ở giữa là một thanh trụ, rồi căng chúng ra như một con thuyền, hai đầu lại cong lên. Yêu cầu kỹ thuật phải tạo được sự cân bằng gần như tuyệt đối sao cho diều cân đối hai bên. Khung chính đã xong, lần lượt buộc các thanh phụ, rồi nối các thanh ngang. Hai cánh diều phải dài bằng nhau, cong như nhau. Công đoạn này làm không cẩn thận khi diều lên gặp gió to dễ bị vặn có khi bị đứt đôi chiếc diều. Khâu dán diều cũng không kém phần quan trọng. Giấy đã chọn cẩn thận rồi còn phải quấy được loại hồ thật dính. Phải xay bột gạo nếp có pha ít vôi để dán không dám nhấm. Khi dán miếng giấy nọ đè lên miếng giấy kia không được quá nhiều vì nếu nhiều quá thì diều sẽ bị nặng mà chồng lên nhau ít quá thì dễ bị bung ra. Anh Đại nắm rất kỹ những yêu cầu đó nên anh và các bạn anh làm rất cẩn thận, chỗ nào không vừa ý liền bóc ra dán lại. Khoét sáo cho diều càng yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Anh Đại phải đi chọn những ống tre có đốt dài mà lại phải mỏng. Ống sáo chính to gấp đôi hai ông sáo bên cạnh. Việc khoét lỗ to hay nhỏ đề có tiếng trầm, bổng khác nhau cũng phải làm rất chu đáo mới mong có được tiếng sáo vừa ý. Anh Đại mấy năm trước từng theo các anh lớn hơn khoét sáo cho diều nên đã có kinh nghiệm. Tiếng sáo của ống sáo lớn sẽ phát ra giọng trầm còn tiếng sáo phát ra từ hai ống nhỏ sẽ phát ra âm thanh cao. Làm sáo xong các anh buộc vào trục chính của diều. Thế là công trình đầy chất sáng tạo có thể nói là “vĩ đại” đã được hoàn thành.

Dạo này đã đến mùa trăng, cứ chiều tối đến trên bờ đê của con sông Cà Lồ lại náo nức hẳn lên. Từng tốp thanh thiếu niên mang những sản phẩm tâm huyết của mình đổ ra đồng trèo lên bờ đê để thả diều. Nhóm của anh Đại hôm nay đều ăn cơm tối sớm rồi tụ tập tại nhà anh Đại chuẩn bị đi thả diều. Chiếc diều của họ vào loại to nhất, sải cánh dài tới ba mét, nặng tới gần một chục cân. Rồi cuộn dây dài tới gần năm chục mét cũng nặng không kém. Họ chia nhau vác diều, vác dây rồi cùng nhau chạy ào ra đồng trèo lên bờ đê chuẩn bị thả diều. Chạy theo họ là cả một đám trẻ con trong xóm vừa chạy vừa hò la inh ỏi. Lên đến bở đê, anh Đại hai tay nâng chiếc diều sải bước trên bờ đê. Một anh từ từ tở cuộn dây theo bước chân của anh Đại. Hai người đã ở cách nhau khoảng năm sáu mét thì dừng lại. Anh Đại chờ có gió đến anh đẩy chiếc diều lên, người bạn của anh ở phía đâu dây giật mạnh dây diều. Khi thấy diều có sức kéo thì lại lập tức nhả dây để chiếc diều có thể bay lên. Lúc đầu chiếc diều bay lên rồi lại loạng choạng bổ nhào xuống. Lại bắt đầu làm lại, họ phải phối hợp với nhau rất nhịp nhàng. Và lần này thì chiếc diều đã bay lên. Anh bạn nhả vội dây, chiếc diều kéo dây phăng phăng chẳng mấy chốc nó đã lên khá cao, nó kéo hết cả số dây còn lại. Lúc này con diều đang ở trên cao tới mấy chục mét. Chiếc diều to làm vậy mà bây giờ nhìn nó liệng qua liệng lại nhẹ nhàng trên không như một con thuyền nhỏ đang trôi trên bầu trời đầy sao huyền ảo. Họ đóng một cọc tre xuống bờ đê buộc chặt dây diều vào đấy rồi họ ngả lưng ngay xuống thảm cỏ của bờ đê để thưởng thức màn trình diễn của các nhạc công - gió. Những âm thanh trầm của những chiếc sáo lớn, còn những chiếc sáo nhỏ phát ra những âm thanh trong trẻo. Vì có hàng chục chiếc diều và mấy chục chiếc sáo nên chúng phát đủ các loại âm thanh trầm bổng khác nhau. Đó chính là bản giao hưởng đồng quê tuyệt vời mà những ai đã được thưởng thức một lần thì không bao giờ quên được. Họ nằm dài nhìn lên bầu trời thưởng thúc cái công trình “vĩ đại” mà họ đã đổ mồ hôi hàng tuần nay mới làm nên với một tâm trạng rất thoải mái và mãn nguyện. Mãi đến tận khuya họ mới kéo chiếc diều xuống mang về để ngày hôm sau lại đi thả tiếp.

*

* *

Năm 16 tuổi, anh Đại thấy cứ ở nhà chơi bời lêu lổng mãi cũng chán. Anh lại ngại làm ruộng chân lấm tay bùn nên đã trốn ra Hà Nội xin vào làm cho một hãng buôn ở phố cửa Đông. Người chủ hỏi:

- Anh có biết chữ không?

- Thưa ông chủ cháu đã học đến Noyen dousuiène année.

Ông còn hỏi thêm vài câu nữa về gia cảnh cũng như quê quán của cậu. Ông ta thấy cậu trông cũng hiền lành, lại còn biết cả tiếng Pháp nữa nên ông nói:

- Tôi đồng ý nhận cậu với mức lương 3 đồng một tháng và cơm nuôi hàng ngày. Cậu có đồng ý không?

- Cháu xin đội ơn ông chủ.

Ông chủ giao cho anh quản lý một cửa hàng nhỏ ở hàng Gai. Cửa hàng này chuyên môn sửa chữa xe đạp và cho bọn lính Tây thuê. Ở đây còn còn có một thanh niên trạc tuổi anh làm nhiệm vụ sửa chữa. Ông chủ gọi anh là Caisier (thư ký) của ông. Anh thanh niên kia tên là Tùng, quê ở ngoại thành Nam Định cũng bỏ làng ra tỉnh học nghề sửa chữa xe đạp. Khi ông chủ về Nam Định tuyển thợ, một người bạn của ông đã giới thiệu nên ông chủ mang về Hà Nội mở thêm chi nhánh này. Hai người quen nhau rất mau vì họ cùng chung ý thích, thích đi xem đá bóng, thích đến rạp xem sinema hoặc xem hát. Hàng tuần họ mới phải nộp tiền cho ông chủ, họ đã bớt một ít để đi xem với nhau. Anh Đại còn mua cả các loại tiểu thuyết Tàu như Thủy hử, Tam quốc diễn nghĩa về đọc. Các tác phẩm của Tự lực văn đoàn anh cũng mê. Anh Đại mê nhất là các chuyện trinh thám. Buổi tối nếu không đi xem thì ở nhà nghiền tiểu thuyết. Anh bạn lúc đầu không thích xem chuyện nhưng thấy anh Đại đọc xong kể lại rất hấp dẫn nên cũng đọc theo thế là hai anh nghiện như nghiện thuốc lào. Bọn lính Tây thường đến hoạnh họe các anh, đòi đổi xe nọ, xe kia rồi có hôm chúng quỵt cả tiền thuê không chịu trả. Thấy những cảnh chướng tai gai mắt ấy anh Đại ức lắm và căm ghét bọn Tây vô cùng. Một lần có hai thằng Tây vào mượn xe, hình như vừa uống ở đâu thì phải. Chúng đến quát nạt các anh, hai bên sô sát. Chủng chửi các anh bằng tiếng Tây anh Đại cũng chửi lại chúnh bằng tiếng Tây. Hai thằng Tây nổi cáu xông vào đánh anh Đại, anh bạn liền sẵn chiếc ca-lê trên tay xông vào cứu bạn đập cho thằng Tây mấy nhát, nó bị thương kêu toáng lên. Thằng còn lại chạy vội đi tìm bọn “cul-ít”(cảnh sát) đến can thiệp. Chúng trói hai anh lại đưa về đồn, giam hai anh một đêm sau gọi ông chủ đến bắt nộp phạt rồi mới thả cho về. Từ đấy bọn lính Tây sợ không dám đến thuê xe ở đấy nên lời lãi ngày càng gỉảm, ông chủ đành đóng cửa cửa hàng.

Anh Tùng rủ anh Đại về Nam Định xin vào nhà máy sợi. Ở đây anh Đại cũng chứng kiến những cảnh còn chướng tai gai mắt hơn. Buổi chiều khi tan ca một lính gác cổng đứng khám rất kỹ từng công nhân xem họ có lấy trộm sợi mang về không. Bọn chúng lợi dụng sờ soạng chị em nữ công nhân rất lâu làm chị em kêu toáng cả lên. Thấy cảnh đó anh Đại chỉ chực xông vào đánh cho mấy thằng khốn nạn đó một trận. Một lần anh cũng bị nó khám rất lâu, anh tức quá chứi nó bằng tiếng Tây, thế là nó dùng dùi cui nện anh tới tấp. Anh Tùng chạy đến bênh, thế là một cuộc ẩu đả diễn ra ngay trước cổng nhà máy sợi. Bọn “culít” kéo đến giải tán đám náo loạn, phải nhờ anh chị em công nhân ra che đỡ và rẽ đường cho hai anh chạy trồn. Anh Đại liền bỏ luôn về quê.

Về quê tĩnh dưỡng mấy ngày và chủ yếu là nghe ngóng xem tụi Tây có về bắt anh không. Thấy không có động tĩnh gì anh Đại mới hết sợ. Về nhà anh thấy bà vẫn phải thuê thợ cày. Một hôm anh nói với bà để anh đi học cầy. Bà mừng lắm sang hàng xóm gọi chú Liễn sang nhờ dạy anh Đại cày. Thế là một buổi sớm trời trong veo, gió nhẹ nhẹ thối, thỉnh thoảng lại có tiếng chim kêu ríu rít. Lần đầu tiên người ta thấy anh Đại vác cày ra đồng, đi sau là chú Liễn mang một ấm tích nước vối và cái điếu cầy. Ra đến ruộng chú Liền liền bắt ách cày vào cổ trâu, chú giảng giải cho anh Đại phải cầm cầy ra sao, điều khiển trâu như thế nào rồi đưa cày cho anh Đại. Anh Đại tư thế khá căng thẳng, tay phải anh cầm chắc cán cày còn tay trái anh nắm lấy chiếc dây trạc trâu, mắt hướng thẳng phía trước. Anh giật mạnh chiếc trạc, miệng hô:

· Đi! … Đi!... Đi! …

Con trâu thiến tinh quái nó biết đằng sau nó là một cậu nhóc tập cày nên nó bắt nạt lồng lên làm anh Đại ngã dúi dụi. Anh Đại họ thế nào nó cũng không dừng lại, nó kéo luôn cả anh Đại lẫn chiếc cầy đi một đoạn khá xa. Chú Liễn phải nhảy xuống, giằng lấy chiếc trạc trâu họ mãi con trâu mới chịu dừng lại. Chú Liễn đỡ Đại lên rồi chú điều chỉnh lại con cá cho lưỡi cầy sâu hơn chút nữa. Chú lại đưa cho anh Đại cày tiếp. Lần này con trâu ngoan ngoãn kéo cày nhưng vì là lần đầu nên đường cày của anh lúc lệch sang trái, lúc lại lệch sang phải. Còn tư thế của anh Đại thì không thể không nhịn được cười. Anh cầm cầy cứ như người say rượu lảo đà, lảo đảo. Chú Liễn trên bờ động viên:

· Cố lên! Hãy nhìn thẳng phía trước.

Nắng bắt đầu lên cao, anh Đại mồ hôi mồ kê nhễ nhại, trên thửa ruộng đã xuất hiện những luống cày ngoằn nghoèo, chỗ nông chỗ sâu. Chú Liễn liền gọi:

· Thôi nghỉ một lúc đã Đại ơi!

Chú Liễn nhảy xuống ruộng tháo ách ra khỏi cổ trâu cho nó tự do gặm cỏ. Anh Đại cắm cày tại chỗ rồi lên bờ ngồi thở dốc. Anh vơ lấy cái ấm tích, ngửa cổ lên tu một hơi. Thuận tay với lấy cái điếu cày, vê thuốc lào vào nõ, châm lửa rít một hơi thật sâu rồi nằm vật xuống luôn bờ ruộng, mơ màng nhả ra làn khói thuốc lào xanh ngắt. Anh nhắm nghiền mắt lại vì lúc này mặt trời đã lên cao.

- Cháu khá lắm! Cứ đà này chẳng mấy chốc là cháu biết cày ngay thôi mà - Chú Liễn động viên Đại. Chú nói thêm:

- Cháu cày như vậy gọi là cày bị lỏi, cháu phải giữ chắc tay và nhìn thẳng cho luống cày không bị cong và không bị lỏi. Sau đấy chú đã truyền cho anh những kinh nghiệm của chính bản thân chú – một thợ cày nổi tiếng trong làng.

Nghỉ được một lúc, Đại đã thấy đỡ mệt anh liền xuống ruộng tự bắt ách vào cổ trâu rồi cày tiếp. Người ta nghe thấy những tiếng hô của anh Đại, lúc thì “vắt!” (sang trái), “diệt!” (sang phải) và “đi!” (đi thẳng) đã cứng cáp và đều đặn hơn. Người ta cũng thấy những bước đi của anh Đại vững trãi cũng như đường cày cũng đỡ cong hơn. Chỉ phải cái những luống cày vẫn còn bị lỏi nhiều. Chú Liễn để Đại nghỉ và xuống cày lại thửa ruộng một loáng đã xong. Khi mặt trời đã sấp bóng người ta mới thấy hai chú cháu dắt trâu về.

Trưa hôm đó cô Hòa ở nhà đã chuẩn bị một bữa ăn tươi để thết hai chú cháu. Cô Hòa trải chiếu ra giữa nhà bầy mâm cơn lên. Trên mâm cơm ngoài món canh cua và đĩa tôm rang ra còn có thêm một đĩa chân giò luộc và một cút rượu. Trong bữa ăn chú Liễn khen cậu Đại học cày rất nhanh, bà cụ phấn khởi lắm. Cậu Đại nói:

- Con cầy còn lỏi lắm bà ạ! Nhưng bà cứ yên tâm đợt này con sẽ học bằng được, mùa này bà không phải thuê thợ cày nữa đâu – Anh nói như đinh đóng cột.

Anh đã hứa với bà anh quyết làm bằng được. Quả đúng như vậy anh vốn sáng dạ mà lại rất chăm nên chẳng bao lâu anh không những cày thạo mà bừa cũng giỏi. Chỉ sau một mùa vụ anh đã trở thành một thợ cày thực thụ.

*

* *

Anh Đại có hai người bạn thân đó là anh Thạc và anh Dân. Anh Dân nhà nghèo nên chỉ được học đến hết lớp Một (cours Enfantin) là phải bỏ học. Dù vậy anh cũng đã biết đọc biết viết thông thạo. Anh Dân còn có hai cô em gái, một cô tên là Biểu còn cô kia tên là Biển. Cô Biểu bố mẹ cho đi làm con nuôi một nhà giầu trên làng Thượng. Mang tiếng là con nuôi chứ thực ra là đi ở.

Cô Biểu xinh có tiếng khắp làng trên xóm dưới. Hàng ngày cô thường đi cắt cỏ. Cô không ra đồng mà lại ra ngoài ga cắt cỏ. Cô thường rủ hai ba cô cùng đi cho vui. Nhiều hôm giữa chừng khát nước các cô hay vào nhà ga xin nước uống. Ở ga có một anh thư ký ga còn trẻ nói tiếng trọ chẹ miền trong hôm nào cũng lấy nước cho các cô uống và đứng tán chuyện với các cô rất là vui vẻ. Anh ta để ý cô Biểu từ lâu. Trong mắt anh cô là một cô gái vừa xinh đẹp là vừa chăm chỉ. Gánh cỏ của cô bao gờ cũng đầy hơn mấy cô bạn. Cô nói chuyện không táo tợn như mấy cô bạn mà rất có duyên. Một hôm anh ta liều viết cho cô một bức thư rồi lừa lúc hai cô kia gánh cỏ đi trước anh liền dúi vào tay cô Biểu. Cô Biểu hơi ngỡ ngàng nhưng rồi cũng nhét bức thư vào túi áo. Về đến nhà cô rất hồi hộp không biết anh thư ký ga kia viết gì. Tiếc một nỗi là cô không biết chữ. Cô cứ phân vân mãi, nhờ anh Dân đọc hộ thì ngượng chết. Rồi nhỡ ra anh ấy lại nói với bố mẹ thì nguy to. Nghĩ mãi cô mới nhớ tới anh chàng Đại, bạn thân của anh Dân cũng được đi học. Cô nghĩ anh chàng này chắc không mang chuyện này phô anh Dân hoặc bố mẹ đâu. Trưa hôm đó cô đi tìm anh Đại, đến trước cổng nhà anh Đại cô liền gọi to:

· Bốn ơi! Ra mở cửa cho chị nào.

· Dạ! Em ra ngay đây.

- Ôi! Chị Biểu sao lâu lắm chị không vào chơi nhà em?

- Chị bận quá, thế bà dạo này có khỏe không?

- Đứa nào léo nhéo ngoài cổng nghe như tiếng cái Biểu phải không?

- Đúng! Con đây bà ạ, cô Biểu vừa trả lời bà cụ vừa bước vào trong sân. Cô hỏi tiếp:

· Thế dạo này bà có được khỏe không ạ?

- Cũng tàm tạm, cháu ngồi chơi. Bốn ơi! Đi lấy nước cho chị mày uống.

· Thôi bà ạ, con vừa ăn cơm, uống nước xong.

· Thế ông cụ, bà cụ nhà cô có khỏe không?

· Thưa bà! Bố mẹ cháu vẫn bình thường ạ.

Cô vừa nói chuyện với bà cụ vừa để ý xem anh Đại có nhà không. Cô Bốn rất tinh ý thấy chị Biểu hình như muốn tìm anh mình nên cô nói:

- Anh Đại vừa xách cần câu đi ra ngoài bụi tre đầu xóm câu cá, để em ra gọi anh ấy về nhé!

- Thôi chị ra đấy nhờ anh ấy chút việc cũng được, em không phẩi ra đâu. Nói xong cô chào bà cụ rồi bước ra cổng. Đến đầu ngõ cô thấy anh Đại đang chăm chú nhìn xuống mặt nước. Cô đến đằng sau lúc nào anh không biết. Cô khẽ hắng giọng, anh Đại giật mình quay lại, thốt lên:

- Chị làm tôi giật cả mình.

- Cậu đã câu được con nào chưa?

- Được vài con rồi chị ạ! Thế chị tìm tôi có việc gì thế?

- Cậu giúp tôi việc này được không?

- Được thôi, mấy khi được giúp chị, có việc gì chị nói ngay đi xem nào!

Cô Biểu rụt rè móc ở túi ra một phong thư, lưỡng lự đưa cho anh Đại và nói:

· Đọc giúp tôi bức thư này!

Anh Đại đỡ lấy lá thư, cẩn thận xem qua một lượt, bức thư rất ngắn chỉ có mấy dòng. Anh đọc khẽ chỉ đủ để chị nghe thấy.

“ Xin chào cô Biểu!

Kể ra chúng ta đã quen biết nhau từ lâu mà tôi vẫn chưa biết nhà cô ở đâu. Hôm nào cô dẫn tôi về nhà chơi được không? Cô có muốn về Hà Nội chơi không? Nếu cô thích hôm nào tôi sẽ dẫn cô về Hà Nội. Sao dạo này cô và các bạn ít ra ga cắt cỏ thế? Những hôm không thấy các cô tôi cứ thấy buồn buồn là.

Thôi tạm dừng bút , chúc cô luôn mạnh giỏi

Một người bạn của cô.”

Bên dưới có ký tên hẳn hoi, anh ta ký tháu quá nên không nhận được tên anh ta là gì. Đọc xong anh Đại trả lại cho cô lá thư rồi hỏi thêm:

· Chị có muốn viết thư trả lời không?

· Không, tôi không trả lời đâu.

Trên đường về vừa đi cô vừa nghĩ: “Cái anh chàng này lạ thật, chưa chi đã muốn đến nhà người ta rôi. Lại còn rủ người ta ra Hà Nội nữa chứ, còn lâu nhé!” Cô tủm tỉm cười.

Sau đấy anh chàng thư ký ga còn viết cho cô mấy lá thư nữa. Thỉnh thoảng anh ta cũng tặng cô mấy thứ quà nho nhỏ như chiếc gương, chiếc lược, mấy túm chỉ thêu lòe loẹt nhiều màu, ….Lần nào nhận được thư của anh ta cô cũng mang vào nhờ anh Đại đọc giúp nhưng chẳng bao giờ cô trả lời anh ta. Trong thâm tâm cô cũng có cảm tình với cái anh chàng thư ký ga có dáng thư sinh ấy. Cô chỉ hiềm một nỗi là anh ta ăn nói trọ trẹ rất khó nghe và người ta đồn là người miền trong keo kiệt lắm nên cô rất sợ. Nếu so với các cô gái khác đồng trang lứa thì cô cũng được liệt vào loại cứng tuổi rồi tuy mới chỉ ngoài hai mươi một chút. Trai làng cũg nhiều anh nghiêng ngó nhưng chưa có đám nào dám hỏi và cô cũng chưa ưng một ai.

Một hôm bà mẹ cô gọi cô về nhà có việc cần. Cơm trưa xong cô xuống làng về nhà. Mới tới cổng cô đã thấy trong nhà lao xao tiếng người lạ. Cô vào đến trong nhà thì thấy trên bàn thờ nhà mình một mâm xôi và một cái thủ lợn to tướng. Cô hỏi mẹ:

· Việc gì vậy hở u?

- Hôm nay ngày lành tháng tốt bà Bèo ở xóm trong kiếm cái lễ ra hỏi con cho anh con trai bà ấy đấy.

Vừa nghe mẹ nói thế cô chẳng nói chẳng rằng bê luôn mâm xôi có cái thủ lợn lăng luôn ra sân.

Cô Biển vội chạy xuống sân, kêu tướng lên:

- Ới chị ơi! Sứt mất cái mũi thủ lợn rồi biết làm thế nào bây giờ!

- Ai mang đến thì mang về, tôi không có cưới hỏi gì hết.

Gia đình nhà kia chỉ biết bưng mâm xôi và cái thủ lợn sứt mũi lẳng lặng ra về. Hơn một năm sau cái anh thư ký ga cũng được điều đi nơi khác. Thư từ giữa họ cũng chấm rứt cùng với cuộc tình chưa đâu vào đâu giữa họ.

*

* *

Một hôm bà cụ gọi anh Đại lại bảo:

Này anh Đại! Cháu đã ngoài hai mươi rồi đấy, cũng phải lo mà cưới vợ đi chứ, cứ lông bông mãi sao được.

Anh ậm ừ cho qua chuyện vì anh còn thích bay nhảy chưa muốn dính đến chuyện vợ con.

Ít lâu sau bà lại giục:

- Thôi đừng chần trừ nữa ưng đám nào để bà nhờ người mai mối cho.

Anh phân vân mãi rồi mới nói:

- Bà nhờ người ra hỏi cô Biểu con bà Quất xóm ngoài cho con.

Anh nói vậy nhưng trong lòng vẫn run không biết cô ấy có bằng lòng không. Hai người tuy quen biết nhau từ lâu, rất có cảm tình với nhau nhưng hình như cô Biểu vẫn coi anh như một người em trai nên đối xử rất tự nhiên. Họ chưa bao giờ tâm sự với nhau về chuyện riêng tư cả. Bà cụ nhờ người ra nhà bà Quất đánh tiếng trước. Bà Quất nhắn cô Biểu về có chuyện quan trọng muốn bàn. Tối hôm ấy cô Biểu xin phép bố mẹ nuôi về nhà theo lời nhắn của mẹ. Vừa đi cô vừa nghĩ “không biết có chuyện gì mà bà cụ nhắn mình phải về ngay”. Vừa về đến cổng bà mẹ đã giục:

- Mau vào đây con!

- Có việc gì mà u gọi con về gấp gáp thế?

- Có chớ sao lại không.

- Việc gì u nói luôn đi, con sốt cả ruột.

- Chuyện chồng con của cô chứ còn chuyện gì nữa.

- U đừng có nhận vớ, nhận vẩn như lần trước là không được với con đâu.

- Thầy, u đâu có nhận mà phải hỏi xem ý con thế nào đã chứ.

- Thế người làng ta hay người nơi khác?

- Ngay làng ta đây thôi.

Cô điểm lại những chàng trai chưa vợ trong làng thì chẳng thấy có đám nào ra hồn. Mỗi anh một tật không thể nào mê được. Cô hỏi tiếp:

- Thế u định gả con cho tay nào đấy?

- Anh Đại , bạn anh Dân mày chứ ai.

- Cậu ấy kém con những hai tuổi, con vẫn coi cậu ấy như em, lấy cậu ta thì ngượng chết.

- Không sao đâu con ơi! Các cụ vẫn bảo “Gái hơn hai, trai hơn một” kia mà. U thấy cậu ta tuy không đẹp trai nhưng làm ăn giỏi giang, lại nhanh nhảu, tháo vát và quan trọng nhất là cậu ấy lại tốt bụng. Đám ấy được đấy con ạ.

- U để con xem xem đã, đừng trả lời nhà người ta ngay đấy nhé!

Ông cụ ngồi trên phản chỉ hút thuốc lào không nói gì. Bây giờ mới lên tiếng:

- Đám này đáng lẽ thầy u đã đồng ý rồi nhưng sợ con lại phá đám như lần trước nên mới gọi con về xem ý con thế nào.

- Thôi khuya rồi con đi ngủ đây!

Hai mẹ con vào giường nằm còn tỉ tê mãi đến nửa đêm. Bà cụ ngáp dài mấy cái, thiếp đi và ngủ lúc nào không biết. Cô Biểu còn trằn rọc mãi đến sáng mới chợp mắt được một lúc. Khi nghe tiếng gà gáy dồn dập là cô vùng dậy, chạy vội ra bể nước rửa qua cái mặt rồi vội vàng chạy lên làng Thượng kịp đi làm đồng. Không biết cô Biẻu đã nghĩ gì đêm qua mà trước khi bước ra cổng cô còn dặn với:

- Thôi tùy thầy u đấy! Con không biết đâu.

Anh Đại biết tin người con gái đẹp nhất nhì trong làng đã bằng lòng lấy mình thì phấn khởi ra mặt. Tuy họ chưa bao giờ nói với nhau lời yêu đương nhưng họ đều rất quí nể nhau. Anh tặc lưới lấy rồi yêu sau cũng được mà! Chính anh lại giục bà nhờ người đi coi thầy xem ngày dạm ngõ, ngày đón dâu.

Sau đấy một tuần nhà trai ra xóm ngoài dạm ngõ. Một tuần nữa là ngày cưới. Đám cưới được tổ chức rất vui vẻ. Bà con xóm giềng, trong làng, trong xã đều đến dự rất đông. Bà con họ hàng nội ngoại mãi tận Sơn Tây, Lập Trí, Trạm Trôi cũng về. Nhà bà Quất cũng không thách cưới gì chỉ xin mấy cái lễ để kính báo lên tổ tiên bên nội, bên ngoại có con gái cho đi lấy chồng. Vì nhà nghèo nên ông bà cũng chẳng cho cô chút hồi môn nào. Riêng bố mẹ nuôi lại cho cô hẳn một mẫu ruộng làm của hồi môn vì lâu nay cô đã hết lòng vun vén cho họ.

Hai vợ chồng làm ăn rất chăm chỉ nên cái gia đình ấy bây giờ rất khấm khá. Mấy năm ấy lại mưa thuận gió hòa nên họ đã có bát ăn bát để.

*

* *

Một năm sau, một buổi tối trời đổ cơn mưa, cả nhà ăm cơm sớm rồi đi nằm. Nửa đêm chị Biểu kêu đau bụng, anh Đại dậy thắp đèn lên tìm lọ dầu cao “con hổ” định bôi vào bụng cho chị. Bà cụ đã thức dậy thấy con dâu cứ đau từng cơn quằn quại, bà bảo anh Đại:

- Chắc là nó đau đẻ đấy không được bôi dầu đâu, đi gọi mấy người đưa nó đi nhà thương đi!

Anh Đai vội mặc áo tơi rồi chạy ra xóm giữa gọi anh Quyết bảo vào nhà đưa chị Biểu đi đẻ. Anh cũng chạy luôn ra xóm ngoài gọi anh Dân vào giúp. Khi ba người về đến nhà thì chị Biểu đã lui cơn đau, nhưng bà cụ vẫn bắt họ đưa ngay chị ra nhà thương tỉnh. Anh Đại đi tháo chiếc võng, anh Quyết và anh Dân xuống bếp tìm cái đòn. Họ đặt chị Biểu vào võng rồi thay nhau khiêng lên tỉnh. Mưa mỗi lúc một to sấm chớp đoành đoành. Anh Đại đi trước dò đường vì trời tối mù mịt chỉ khi có chớp mới thấy rõ đường đi. Họ phải đi rất chậm vì đường trơn. Ngày thường từ nhà ra đến tỉnh chỉ mất khoảng gần nửa tiếng thế mà hôm nay họ phải đi mất đúng một tiếng mới đến nhà thương. Đã nửa đêm nhà thương đóng cổng, bác gác cổng đang ngủ gà ngủ gật trong bót gác. Anh Đại gọi mấy lần bác ấy mới tỉnh và ra mở cổng cho họ vào. Bác dẫn họ đến phòng sản phụ rồi quay ra cổng. Cô y tá trực cũng đang ngủ trên một cái giường gần cửa sổ. Rất may cửa sổ vẫn mở, cô ngủ say đến nỗi sấm chớp như vậy mà vẫn không biết gì. Còn cái cửa sổ chắc là cô ta cài không kỹ nên bị gió bật tung ra. Anh Đại lấy cái cán ô móc chân lôi cô ta dậy. Cô hét tướng lên:

· Có trộm! Có trộm!

· Trộm đâu mà trộm có người cần đỡ đẻ đây!

- Anh đợi tôi một tý, tôi ra mở cửa ngay đây. Cô vội lấy tay cuộn mớ tóc dài thành cái búi tó ra đằng sau rồi vội vàng đứng dậy đi ra cửa.

· Thế bà đỡ đâu? – Anh Đại hỏi dồn.

- Các anh cứ đưa chị ấy vào đặt lên giường này tôi đi gọi bà đỡ.

Anh Đại gỡ áo tơi ra rồi bế chị Biểu lên giường. Anh Dân và anh Quyết cũng bỏ áo tơi ra đứng thở dốc. Bà đỡ đến, chị Biểu lúc này lại lên cơn quằn quại, bà đỡ ôm lấy chị, đợi chị rứt cơn đau mới khám, bà phán:

- Cửa mình mở còn hẹp, chưa đẻ được, phải đến trưa mới đẻ được. Nói rồi bà lẳng lặng đi chẳng chào hỏi gí mặc cho ba người đàn ông đứng trơ ra đấy.

Thôi hai bác về nghỉ, để tôi ở lại đây trông cô ấy là được rồi. Sáng ra, các bác sang bên nhà bảo cô Bốn mang cho chị nó ít đồ, vì đêm qua vội quá chưa mang gì theo. Anh Dân và anh Quyết chào anh Đại rồi vác chiếc võng và đòn sóc ra về. Trời bắt đầu hửng, những tia nắng